Đường đi Tà Năng – Phan Dũng
Tụi mình bắt đầu chuyến đi khi phần lớn mọi người đã dần chìm sâu trong giấc ngủ, do có sự thay đổi về thời gian xuất phát nên tụi mình tạm nghỉ chân tại một quán cafe gần chỗ điểm tập kết tại Cung văn hóa lao động – Quận 1 để chờ mọi người, lúc này hơn 12 giờ đêm và xe đã đến, chỉ được vài phút ngắn ngủi để cất balo dưới gầm, rồi tụi mình nhanh chống lên xe tìm kiếm một chỗ ngồi thoải mái nhất, trên xe vẫn còn trống khá nhiều chỗ, một vài bạn hãy vẫn còn thức nhưng đèn trần không mở nên chẳng ai nhìn rõ mặt ai, xe khách 45 chỗ dần dần lăn bánh theo con đường một chiều Nguyễn Thị Minh Khai đi thẳng ra Hàng Xanh qua Cầu Sài Gòn để lên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tới Dầu Giây rẽ vào Quốc Lộ 20 thẳng tiến Hướng Bảo Lộc – Đà Lạt, nhưng điểm đến lần này của tụi mình trong chuyến đi không phải là Đà Lạt. Sau hơn 5 tiếng xe tới ngã ba Tà Hine, tách ra khỏi Quốc lộ 20 xe tiếp tục rẽ vào con đường trải nhựa với hai làn xe, hai bên đường là những dãy rừng thông nối tiếp nhau thẳng tắp, xe vẫn tiếp tục lăn bánh đưa mọi người càng xa dần Quốc lộ con đường càng lúc càng vắng và thưa thớt nhà dân, trời hãy còn sớm nên sương đêm vẫn còn đọng thành giọt trên những lá cây ven đường, đường quanh co, lên xuống như những con sóng uốn lượn đang bám chặt theo những quả đồi. Cao độ ở Tà Hine cao hơn mặt nước biển đâu cũng gần 1.000m, nên khí hậu khá tương đồng với Đà Lạt, trời hừng sáng sương mù vẫn còn đủ dày bao phủ cả một vùng cao nguyên rộng lớn, xe tiếp tục băng băng qua con đường xẻ dọc rừng già với khối động cơ đốt trong đang nổ “hì hì” từng hồi liên tục, xe chạy xuyên qua đám sương mờ trắng xóa như xuyên qua bức màn ảo ảnh mở toang cánh cửa thần kỳ trong câu chuyện cổ tích đưa tất cả hành khách quay ngược về quá khứ khám phá một vùng đất mới lạ còn thưa thớt dấu chân người.
Sau một đêm dài trên xe, tụi mình cũng được đánh răng, rửa mặt, ăn sáng tại điểm dừng chợ Đà Loan, thuộc xã Đà Loan – Huyện Đức Trọng, quán này trước kia chỉ là một quán Phở nhỏ khách hàng chính chỉ là những người dân địa phương trong vùng chứ không được khang trang, tươm tất như bây giờ. Từ khi địa điểm Trekking Tà Năng – Phan Dũng được nhiều người đam mê du lịch khám phá tìm đến, và từ khi nhiều công ty lữ hành bắt đầu tham gia cuộc chơi, hơn hết là khi ngành công nghiệp không khói này đem lại nguồn thu nhập cho những người dân bản địa cao hơn và dễ dàng hơn so với việc làm lụm tay chân, thì người ta mới bắt đầu nhận ra lợi ích to lớn từ việc cung cấp những dịch vụ phụ trợ phục vụ cho đoàn khách du lịch, từ đó rộ lên cách dịch vụ: chuyên chở đồ ăn, nước uống, lều trại,… để phục vụ được nhiều khách du lịch nhất có thể và đương nhiên là thu về nhiều lợi nhuận nhất, đặc biệt đối với những vị khách có sở thích khám phá mà không đủ sức khỏe để mang theo quá nhiều đồ đạc trong một chuyến hành trình kéo dài, tốn nhiều sức lực, sẽ có thêm sự lựa chọn gọn nhẹ hơn rất nhiều!
Tà Năng – Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, với tổng đoạn đường khoảng 50km qua nhiều địa hình khác nhau: vùng thảo nguyên, rừng thông, vùng đồi trọc, rừng khộp,… Sau khi ăn sáng xong cả nhóm lên xe di chuyển đến chợ dừng khoản 30 phút để các thành viên trong đoàn mua sắm các vật dụng còn thiếu, thêm một đoạn ngắn nữa đến đoạn bìa rừng, từ đây sẽ bắt đầu cho chuyến trekking cho một đoạn đường dài hai ngày một đêm ăn ở trong rừng. Mỗi người sẽ được phân phát một chai nước uống 1.5 lít, và phải tự mang theo những vật dụng cá nhân, riêng phần đồ ăn thức uống, lều trại thì đã có mấy bạn porter lo cho đoàn, đâu đó xong xuôi tụi mình bắt đầu những bước chân đầu tiên tiến vào bìa rừng của Khu bảo tồn Kalon Sông Mao
Ấn tượng lần đầu về Tà Năng – Phan Dũng
Đây là lần thứ hai mình trở lại Tà Năng – Phan Dũng, trước đó vào năm 2017 thì mình cũng đã đi tự túc một lần cùng với Việt và Hải nhưng lúc đó là đi vào mùa mưa, nên phải mang vác khá nhiều, chuyến đi lần đó khá nặng về đến nhà hai vai sưng phồng lên mãi gần hai tuần mới hết hẳn đau, nhớ hồi ấy cung đường này còn khá mới mẻ chưa có dịch vụ trekking như giờ, mọi người muốn đi thì chỉ tìm tòi trên mạng rồi tự lên kế hoạch, tải bản đồ offline rồi ghim tọa độ cho lịch trình đường đi của mình, ngoài mình ra thì hai bạn kia cũng chưa ai từng đi cung nặng như vậy, nói thêm một chút về chuyến đi lần đầu tiên của mình:
Tính đến thời điểm lúc bấy giờ đó là lần đầu tiên mình cảm thấy chuyến đi nặng nề như vậy, suốt cả quãng đường dài tụi mình cứ liên tục phải động viên nhau, lúc đầu thì chia đồ ra mỗi người một phần để khuân vác, dần hồi thì phải lấy một đoạn cây dài mỗi người khuân một đầu để phụ nhau vác đồ, chưa có kinh nghiệm trekking đường trường nên hễ cứ khát nước là anh em thi nhau uống, càng uống càng khát, càng khát thì lại càng uống nhưng mà uống nhiều quá leo thì lại nhanh xuống sức cứ vòng lẩng quẩng ấy. Tụi mình bắt đầu xuất phát từ lúc 6h giờ sáng đi mãi đi mãi mà không thấy điểm dừng, không biết phía trước điều gì đang đợi mình, cũng không biết mình đang ở đâu (trong rừng không có sóng) thú thật rất nhiều lần trong đầu mình xuất hiện ý định bỏ cuộc vì quá mệt, hành trình đã vượt quá sức chịu đựng của mình và anh em trong nhóm cũng vậy, nhưng bỏ cuộc thì phải quay lại mà quay lại thì quá xa để quay đầu chưa kể cả đoạn đường đã qua mệt nhọc ra sao anh em cũng đã tường tận, nên đôi khi tiếp tục bước đi là lựa chọn tối ưu nhất ở một vài hoàn cảnh mặc dù chúng ta không biết con đường phía trước sẽ dẫn ta đi đến đâu nhưng ít ra nó cũng cho ta một cái niềm tin, niềm hi vọng về tương lai tươi sáng! Không khí anh em trong nhóm lúc này khá căng thẳng, minh chứng là mình với Việt đã lời qua tiếng lại với nhau, có lúc tưởng chừng như muốn “choảng” nhau chỉ vì một lý do khá trẻ con “Việt không muốn mình gọi thẳng tên Việt khi đang ở trong rừng, vì theo Việt đó là điều cấm kỵ khi vào rừng, còn mình thì có nghĩ tới điều đó đâu, cứ câu trước Việt, câu sau Việt thế là có chuyện”, nhưng rất may là mọi chuyện dừng lại đúng lúc; Lúc đang nghỉ ăn trưa xong thì tụi mình kiểm tra đồ đạc chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình, đi được vài bước thì Việt trượt chân thế là trượt một đoạn dài men theo sườn đồi xuống tít phía dưới chân đồi, vì trời mưa cỏ dày nên ảnh trượt khá mượt nhìn cảnh ảnh bất lực buông xuôi trượt xuống mà hài không tả nổi, cứ như trò chơi cầu tuột của đám trẻ vào những ngày mưa; Một chuyện nữa không thể không nhắc tới, trekking từ sáng tới chiều tối lúc này đã gần 6h chiều cả đám mệt lừ quần áo tèm lem, nhưng cũng phải ráng sức để mà dựng lều, nhưng thôi rồi đây cũng là lần đầu tiên tụi mình đụng tới lều trại, ba chàng thanh niên phải mất gần một tiếng đồng hồ mới dựng xong lều, rồi thêm nữa tiếng nữa để sắp xếp đồ đạc bếp nút nấu ăn, nói nấu ăn cho sang nhưng thực ra chẳng còn gì ăn đâu, chỉ là vài gói mì tôm, xúc xích, bánh mì sandwich, khô mực, một chai nước 1.5 lít và một chai rượu nếp Xuân Thạnh (Đặc sản Trà Vinh); đang mệt có ly mì nóng thì còn gì bằng, ba người ngồi “cưa” hết một chai Xuân Thạnh nửa đêm chym Việt hay là ku Hải không biết dậy uống hết nước trong chai luôn chớ, làm sáng mình phải đi qua nhóm khác nan nỉ xin nước uống mới đủ sức đi tiếp nữa cung đường còn lại…
Quay trở lại câu chuyện đã đề cập lúc đầu, trong lần đi này thì mục đích chính là mình muốn dẫn bạn Mo đi cho biết cung đường trekking nổi tiếng này, cũng muốn để bạn Mo thử giới hạn của bạn thân mình, mình chọn đi dịch vụ để đỡ phải chuẩn bị lều trại, cũng như đồ ăn thức uống, để rảnh tay mà lo cho bả tuy vậy do mang đồ của hai người nên balo cũng khá nặng. Bạn Mo vượt qua đoạn đầu tiên của cung đường khá nhẹ nhàng, vì trước đó bạn ấy cũng đã từng theo chân mình băng rừng lội suối khá nhiều rồi nên ít nhiều cũng quen, trên đường đi mình cũng thường xuyên nhắc nhở phân phối sức, động viên để chuẩn bị sẵn tâm lý cho đoạn đường khó khăn phía trước.
Nghỉ giải lao chặng đầu tiên mọi người cũng dần quen mặt nhau, làm quen trò chuyện nên không khí cũng trở nên vui vẻ hẳn ra nhưng cũng không thể nào xóa tan được sự oi bức của nơi mùa hè nơi rừng núi. Địa hình đoạn này chủ yếu là rừng thông, mọc thành từng cụm theo những quả đồi, cùng với đó là những bãi cỏ hồng khát khô vì thiếu nước chỉ còn trơ trọi khô gốc, ngã nghiêng, đu đưa theo từng cơn gió nhè nhẹ, ở đoạn đường này mình vẫn còn thấy lát đát vài ngôi nhà người dân địa phương được dựng khá kiên cố vách gỗ mái tôn, với những khu rẫy trồng cafe, hoa màu, chăn nuôi bò, trâu thả lang…đâu đó vài chú chó sủa vang trời khi thấy đoàn người lạ dạo bước qua nhà. Tiếp tục cuộc hành trình, tụi mình đi ngang qua mốc bìa rừng với hàng chữ “Rừng Phòng Hộ BQL Rừng Tà Năng”, tiếp theo là băng qua cây cầu bằng cây mục bắt ngang con suối cạn trơ đáy, dòng chảy như bị đứt đoạn do mùa khô đã kéo dài quá lâu mà mùa mưa thì hãy còn quá sớm để bắt đầu, tuy nhiên ở sâu trong rừng nơi thiếu ánh nắng mặt trời đâu đó vẫn còn vài vũng nước tù động được những tán cây rừng che đậy lại như cố gắng để bảo vệ những giọt nước cuối cùng còn sót lại của mùa mưa năm trước, xung quanh vũng nước là chi chích những dấu chân đàn trâu bò, chim chóc tìm đến uống nước còn in rõ từng dấu trên bãi cát mềm. Từng đoàn người tụi mình đi thành hàng một nối tiếp nhau theo dấu đường mòn đã thành hình dẫn thẳng vào rừng, hai bên vẫn là rừng cây um tùm, mặt trời đang dần đứng bóng, không khí oi bức, hơi nóng từ mặt đất phảng phất làm cho gương mặt ai nấy đều nóng rang đỏ ửng, trời đứng gió ngọn cây không một chút lay động, phía xa những cuộn mây trắng xóa giữa nền trời xanh biếc nằm lững lờ như bất động.
Hết con dốc đầu tiên, tới con dốc thứ hai rồi con dốc thứ ba, lúc này các bạn trong nhóm đã thấm mệt thấy rõ, đi chung nhóm đợt này hầu hết là những bạn trong Công ty du lịch Nụ Cười Mê Kông có trụ sở ở TP. Cần Thơ (Bạn nào đi tour dưới Miền Tây thì liên hệ mấy bạn bên này ngen), tụi mình nghỉ chân ăn trưa ở bìa rừng thông, cuối con dốc thứ ba tính từ chặn nghỉ đầu tiên, mấy bạn trong tổ porter sắp xếp bạt trải, đồ ăn thức uống bày ra để mọi người ăn uống, nghỉ ngơi lấy lại sức. Trong lúc chờ đợi mình với bạn Mo cũng tranh thủ qua bên chỗ cây gỗ mục chụp vài kiểu hình làm kỷ niệm, thấy vậy vài bạn cũng qua chụp, cơm nước xong mọi người tranh thủ chợp mắt tìm giấc ngủ ngắn giữa rừng để lấy lại sức, đoạn này khá nhiều cây rừng lá khộp xen kẽ rừng thông nên khá mát mẻ, tiếng chim chóc vanh vảnh phía xa, đâu đó là khói đen bốc lên nghi ngút giữa rừng như những ống khói của đoàn tàu hì hục nhả khói đen kịt lên không trung khi chuẩn bị xuất bến kèm, theo đó là tiếng nổ dòn lách bách của cây khô đang cháy, đúng thật là cháy rừng! Không chỉ một mà có rất nhiều đám cháy lớn nhỏ xảy ra suốt cả quãng đường mà tụi mình đi qua, không biết vô tình hay hữu ý? Lân la hỏi dò vài anh porter thì mình được hay là có người họ đốt những gốc cây lớn để chúng chết gốc dễ cho việc đốn hạ, xẻ gỗ? – Mình thắc mắc buộc miệng hỏi ra một câu hết sức giáo khoa: “vậy kiểm lâm đâu mà để họ chặt phá như vậy? – anh porter trả lời tỉnh bơ: “có ai mà vô tới đây đâu em, mà có vô đi nữa thì bao nhiêu người quản lý cho đủ cả khu rừng này!”, nghĩ cũng có lý tính từ lúc xuống xe cuốc bộ từ bìa rừng vào đến đoạn này trung bình cũng mất khoảng 6 tiếng, với diện tích hơn 20.000ha, không sóng điện thoại, không đường xá, con đường duy nhất để vào đây là cuốc bộ thì cái lý lẽ mà anh porter đưa ra cũng có vẻ khá thuyết phục! Có lẽ cần có một giải pháp tối ưu, toàn diện hơn để nâng cao nhận thức, tạo kế sinh nhay, lấp đầy bao tử cho người dân địa phương thì mới nghĩ đến việc lớn lao hơn là có thể bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên rừng nói riêng và tài nguyên thiên nhiên đất nước nói chung ở những vùng hoang vu hiểm trở như vầy….
(Còn tiếp….)