Mục lục

Con chim cu đất Cô Năm

con chim cu cô năm

Mình ngồi chờ một hồi lâu thì Cô Năm đi chợ về, cô ngồi trên chiếc xe đạp điện cũ kỹ phía sau ba ga cột nằm tấm lịch bóc của tiệm vàng mà cô vừa xin ngoài chợ, trên cổ xe treo lủng lẳng vài ổ bánh mì không, còn ở giữa xe chỗ gác chân thì cô chở nữa bao xi măng, cô vừa đá chống xe miệng vừa hỏi:

  • Mày tới lâu chưa?
  • Dạ cũng được một lúc rồi cô!
  • Tao chờ mày sáng giờ chừ không rõ khi nào mày tới nên mới tranh thủ chạy ra ngoài chợ mua xi măng để về trám cái sân chứ nó nứt hết ráo.

Hai cô cháu đương ngồi nói chuyện thì từ đâu con chim cu chạy qua chỗ Cô Năm ngồi, nhưng vừa thấy mặt mình thì con chim cu bỗng dưng khựng lại không dám bước tiếp nữa.

  • Không sao đâu con! Qua đây “cục dàng”, qua đây ngoại cho ăn bánh mì nè…qua đây con!

Quả thực con chim cu như nghe được tiếng gọi của Cô Năm nó bước rón réng từng bước một qua bên chỗ Cô Năm nhưng mắt vẫn cứ ngó nghiêng nhìn theo từng cử chỉ tay chân của mình, mỗi lần mình di chuyển tay chân qua lại thì ảnh bỗng đứng lại quan sát ngụ ý chờ hành động tiếp theo như thế nào rồi mới bước tiếp.

  • Không sao đâu con, qua đây, chú người tốt không bắt con đâu!

Cô Năm vừa nói vừa lấy ổ bánh mì mua từ sớm ngắt ra một góc rồi xé ra thành từng mẫu vụn nhỏ mà vứt qua phía trước mặt con chim cu đang đứng, nhanh nhảo nó đớp liền cục bự nhất rồi nhanh chân bay lên bậc thềm nhà mà ăn ngấu nghiến một cách ngon lành.

  • “Cục dàng” của tao đó! Nó khôn lắm mày ơi, sáng nào cũng phải có bánh mì, cà phê cho nó ăn thì nó mới chịu yên (chuyện thật như đùa), chứ thử mày không cho nó ăn xem nó phá cho mày phát bực. Hôm trước đây, sáng tao không cho bánh mì nó ăn nó nghe tiếng tao bên nhà con Tuyền qua tận đẵng kiếm tao (vừa nói cô vừa chỉ tay qua nhà bà chị bán bánh mì phía bên đường gần nhà cô), tao đuổi về mà nó cũng mò qua, bực quá tao phải mua bánh mì của con nhỏ cho nó ăn thì nó mới chịu yên đó đa.
  • Trong nhà nó chỉ gần mỗi tao, tao đi đâu nó theo đó ai thấy cũng khen con này khôn, người ngoài dễ dầu gì lại gần được nó, mà thằng này á hả cái giống ôn gì nó cũng ăn hết thẩy nào là: bánh pía, bánh mì, chuối, cà phê, mức, trái cây,…mà nó phá lắm mày ơi chuối tao để vậy đó mà ăn nó không ăn cho hết nguyên trái đâu cứ mỗi trái nó mổ một ít trái nào cũng mổ mày nghĩ bực không chớ!
  • Cô nuôi nó lâu chưa?
  • Lâu! Nuôi từ lúc mới nở lận mừ, có chút xíu, tao mua tận hai trăm ngàn bạc lận, lúc mới đem nó dìa ai cũng kêu là nuôi nó không sống đâu, mà chừ mày thấy đó giờ cũng hơn một năm rồi còn gì, giờ hễ tao đi đâu thì thôi chứ hễ về nghe tiếng tao là ở đâu nó cũng chạy ra mừng!

Cô Năm năm nay chừng hơn bảy mươi tuổi ngoài, tóc hạt muối tiêu, da mặt đã chi chít nếp nhăn, dáng người mảnh khảnh chỉ đâu đó tầm mét rưỡi đổ lại, người ốm, da ngâm đen, miệng lúc nào cũng phì phà khói thuốc, xưa cô làm nghề “cò đất” nhưng nay cô đã nghỉ hưu và giao phần việc này cho người con trai út quản lý, con trai út cô mở cái văn phòng giao dịch bất động sản ngay mặt lộ lớn trong xóm, thuộc phần đất của gia đình cặp sát nhà cô, ngoài con trai, cô còn có thêm một người con gái lớn cũng đã có gia đình ra ở riêng dựng nhà tường kiên cố sát ngay phía sau đuôi nhà cô.

  • Anh làm ăn khá không cô?
  • Ui! Nó đóng cửa đi miết, đất đai giờ ai mua bán đâu hai năm nữa dô năm tỵ may ra khá nổi (vừa nói cô vừa bấm ngón tay nhẫm tính tý, sửu, dần,…ngó mặt khá nghiêm nghị).
  • Chứ giờ ảnh thường làm gì cô?
  • Đi câu! Sáng ra nó đưa con đi học đâu đó xong là xách cần câu cùng với nhóm bạn trong bất động sản của nó đó cả đám đi câu, bữa câu cá về bán được dăm ba trăm ngàn, mới hôm kia đây nó câu được cá chép đem về nhờ tao đi bán cho chòm xóm cũng được đâu gần một triệu rưỡi bạc. Buổi chiều, nó rước con về rồi xỏ giày ra đá banh chung với mấy thanh niên trong xóm dưới nè, nó có thằng con lớn cũng giỏi đá banh lắm, đá trong trường mà bằng khen miết hà, trừ những bữa đi học thì thôi chứ vừa mới tới nhà đặt cái cặp xuống là một tay cầm chay nước một tay cầm đôi giày chạy ra đá với thằng cha nó, đi miết tới bảy giờ tối mới về ăn cơm rồi học bài. Còn chừng thứ bảy hay chủ nhật hả mày khỏi kiếm nó đâu xa cứ xuống sân banh xóm dưới là thấy nó trên đó miết vậy đó từ sáng tới chiều tối mới chịu về ăn cơm.

Cô Năm dân gốc Quận 4, Sài Gòn nên chất giọng và kiểu cách nói chuyện khá rắn rỏi, cô luôn miệng nói:

  • Tao sống chi rất là biết điều, ai nấy trong xóm điều thương tánh thao thiệt thà, thích sự ngay thẳng hễ ai làm điều hay nói lẻ phải không kể lớn nhỏ tao đều nghe hết thẩy, chứ đừng đặt điều nói tầm bậy tầm bạ thì tao chửi cho mà xấu mặt với thiên hạ. Hôm trước đây có thằng “Trưởng Ác” (tức là Trưởng Ấp – do Cô Năm ghét nên cứ luôn miệng gọi ổng là Trưởng Ác), nó cậy quyền cậy thế không giúp được dân ngược lại còn kiếm chuyện làm khó dân đủ điều, tao lên ấp tao chửi, sau rồi tao luôn xã tao gửi đơn thưa, xã chậm giải quyết tao lên huyện tao thưa tiếp, tao lên xuống vậy đó gần ba tháng trời, giờ nó bay màu với tao, hết tháng mười hai này nó đi rồi, nghỉ hưu non.

Nói đoản Cô Năm phá lên cười khoái chí, ngó chừng như rất hả dạ.

Sau giải phóng năm 1975 tình hình kinh tế, chính trị trên Sài Gòn đương bất ổn nên gia đình cô phải lưu lạc về đất Giang Điền, Đồng Nai này để mà khai phá đất đai, lập thân mưu sinh. Theo lời Cô Năm trước đó vài năm từ khoảng chừng năm 1972 – 1973 du kích địa phương và quân ngụy ở đồn bốt gần đó đánh nhau như cơm bữa, sáng đi chợ gặp thây chết nằm ngoài đường là không phải là chuyện hiếm.

Hồi ký: Rừng Nam Cát Tiên – Bảo Lộc | Chuyến đi nhớ đời!
  • Cô có sợ không?
  • Sợ chớ! Nhưng thời cuộc mà có tránh được đâu, có lúc du kích nữa đêm họ gõ cửa nhờ băng bó vết thương, xin vài ngụm nước, vài chén cơm nguội rồi đi. Hồi xưa trên này toàn là rẩy mía, rừng cao su làm gì có nhà, thưa thưa vài ba cây số may ra có được một căn, còn xóm trên thì nhà cửa đông đúc hơn (cô chỉ tay về hướng chợ) dân xóm đạo Bắc 54 ấy, nhà cửa tuy có nhiều thiệt nhưng mà người ở thì ít , phần người chết do đạn pháo lạc, phần thì chán cảnh chiến tranh chết chốc nên bỏ đi xứ Bình Phước, Lâm Đồng vô rừng khai hoang tránh cái sự đời chém giết sống cho nó yên cái thân.
  • Hồi đó tao bán nhà trên Quận 4 được chục cây vàng, xuống đây mua đất, trồng mía nuôi con cho đến giờ.
  • Đất cô được nhiều không?
  • Nhiều! Nguyên khu này hồi xưa của tao hết chứ đâu cũng gần chục mẫu, mà bán lần hết rồi giờ chỉ còn cái nền nhà mày đương ngồi, cái nền nhà cho tụi con cháu ở, với còn vài sào ở xóm dưới tao kêu bán để cho con cháu ít vốn còn lại tao để tiền dưỡng già, vài tháng trước có người người trả bốn tỷ rưỡi mà tao không bán, tao đòi năm tỷ, xong đến nay đất cát nó đứng hết ráo cũng không ai hỏi han gì thêm nữa.
  • Giờ cô ở có mình ênh sao?
  • Ừa, mà coi đó ở một mình mà cũng có được thảnh thơi đâu cứ làm luôn tay luôn chân ấy chứ!
  • Chừ cô làm gì mà bận?
  • Ui! Nào là gà, chim cu, bồ câu, cá hải tượng, chó, mèo, bò, thỏ,… sáng dậy dọn dẹp chuồng trại, cho tụi ăn là hết ngày, ngày nào cũng như ngày nấy mệt bở hơi tai.

Đang nói chuyện vừa thấy con chim cu ăn hết bánh mì Cô Năm kêu:

  • Qua đây “cục dàng”! Qua đây ngoại cho nè!

Vài mẫu bánh mì xé nhỏ lại từ tay Cô Năm bay sang trước mặt con chim cu đang chực chờ sẵn. Nhìn con chim cu này đúng tếu, nếu không muốn nói là ngầu như dân anh chị, nó màu xám có cái mỏ dài và cong nhọn ở phần đầu, hai cái lỗ mũi lưa thua vài nhúm lông như râu của đàn ông, mắt nó thì to sáng cứ nhìn dáo dác, phần lông ở cổ thì khúc có khúc không nhìn như có ai nhổ lởm chởm, cái cánh một bên thì áp sát vào thân, cánh còn lại thì xà xuống vừa đi vừa cạ xuống đất, hai cặt dò màu vàng sậm nhỏ xíu như hai cây tâm.

  • Ủa cánh nó bị sao vậy cô?
  • Tội nghiệp! Tháng trước nó giành ăn với con gà, bị con gà bay lên đá cho máy phát gãy cánh luôn nên giờ cứ buông một cánh đi vậy đó.
  • Nhìn nó giang hồ ghê cô ha!
  • Ừa! Bời nó mới lỳ

Hai cô cháu đồng thanh cười giòn tan!

Một tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện với Cô Năm mà mình hấp thu được khá nhiều năng lượng tích cực để nuôi dưỡng cho cái tâm trí non nớt đang dần thành hình, tuy tuổi đã xế chiều nhưng mỗi khi nói chuyện giọng cô luôn tràng đầy năng lượng, cuộc sống cô luôn đầy sắc màu tích cực. Thời thế biến đổi cùng với đó là những quan điểm sống cũng dần thay đổi theo cho phù hợp với thời cuộc, nhưng phải chăng cái sự vui thú của tuổi về già không phải là bạc vàng cao sang mà là được sống yên vui gần con cháu, trong yêu thương đùm bọc của tình làng nghĩa xóm, được săn sóc, nói chuyện không cần có lời đáp với những con vật mà ta nhìn vào tưởng chừng như chúng vô năng nhưng kỳ thực chúng có một sự gắng kết rất đặt biệt với con người, chúng không nói được tiếng người nhưng tạo hóa ban cho chúng cái khiếu có thể cảm nhận được người tốt và người xấu mà gửi thân gắn bó, hoặc có khi chỉ bằng mùi cơ thể của người đó mà thôi?

Đồng Nai, 24/12/2022

Thích những gì bạn thấy? Chia sẻ với một người bạn.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Hướng Dẫn

Cảnh sắc Đồi Thiên Phúc Đức
"Đi bụi" Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc
Viết lách có ra tiền ?
Du lịch Phan Thiết - Bình Thuận và Những địa điểm không nên qua!
Hồi ký chống dịch Covid 2021
GIẢI BÓNG ĐÁ LTP - XUÂN QUÝ MÃO 2023

Khuyến Nghị

Cảnh sắc Đồi Thiên Phúc Đức
"Đi bụi" Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc
Viết lách có ra tiền ?

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất từ BetterGrowth.

Tham gia cùng 4.000 người nhận bản tin của chúng tôi qua email.
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x